Hãy tránh các loại thực phẩm ngọt và thức uống có caffeine, cố gắng ăn mỗi bốn tiếng đồng hồ và uống đủ nước, mẹ bầu nhé!
Ở 3 tháng đầu của thai kỳ, nhiều trường hợp mẹ bầu bị ốm nghén, luôn cảm thấy khó chịu, thậm chí buồn nôn mỗi khi nhìn thấy thức ăn. Nhưng vì đây là giai đoạn hầu hết các cơ quan quan trọng của phôi được hình thành, nên dù không ăn được nhiều, mẹ bầu vẫn cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ chất bằng cách ăn uống đa dạng thực phẩm, đặc biệt ăn nhiều rau xanh, trái cây… nhấm nháp trà gừng và ăn các loại hạt cũng là một lựa chọn hay cho mẹ.
Nếu trước khi mang thai mẹ bầu chưa bổ sung acid folic thì từ ngày đầu tiên biết mình mang thai cần bổ sung ngay. Liều lượng khuyến cáo là 400 mcg/ngày. Bên cạnh đó, sắt và canxi cũng cần được tăng cường trong suốt 9 tháng mang thai nhằm tránh thiếu máu và loãng xương cho mẹ về sau. Bà bầu có thể sử dụng loại vitamin tổng hợp, trong thành phần có chứa acid folic, sắt, canxi theo chỉ định của bác sĩ.
Thai nhi trong giai đoạn này rất nhạy cảm với các tác nhân từ bên ngoài như vi khuẩn, virus, rượu, thuốc, chất kích thích, hóa chất… Do đó, bà bầu cần kiêng sử dụng hay tiếp xúc với những tác nhân này và thiết lập cũng như duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh khi mang thai.
Việc uống thuốc chữa bệnh trong 3 tháng đầu cần đặc biệt lưu ý theo chỉ định của bác sĩ để tránh ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi. Trên thực tế, nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra như mẹ tự ý dùng thuốc kháng sinh khi bị cảm trong 3 tháng đầu hay nhiễm virus Rubella khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh… Để giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, mẹ bầu nên tiêm phòng trước khi mang thai và trong thai kỳ đầy đủ, đồng thời hạn chế đến chỗ đông người.
Ngoài ra việc thực hiện các xét nghiệm cần thiết khi mang thai cũng giúp mẹ bầu phát hiện nhanh chóng các căn bệnh thai kỳ phổ biến.