thanhdat.daiichi.hp2@gmail.com
0967.902.286

CẨM NANG CHĂM SÓC CON Ở THÁNG THỨ 23

Sức khỏe trẻ nhỏ | 18/03/2021 | 1318 lượt xem

Trẻ 23 tháng tuổi: Chế độ dinh dưỡng và chăm sóc răng miệng

Chăm sóc răng miệng cho trẻ

Giai đoạn 23 tháng tuổi là giai đoạn mà trẻ có những chuyển biến mạnh mẽ không chỉ về thể chất mà còn phát triển về trí tuệ và giao tiếp xã hội. Do đó chế độ dinh dưỡng cũng như những chăm sóc về tinh thần cho trẻ rất cần được phụ huynh lưu tâm.

1. Trẻ 23 tháng tuổi phát triển như thế nào?

Trẻ 23 tháng tuổi đã có sự phát triển khá toàn diện về mọi mặt có thể kể đến như kỹ năng vận động, phát triển nhận thức, phát triển về cảm xúc hay giao tiếp xã hội.

Về phát triển thể chất- vận động:

  • Giai đoạn này trẻ đã có thể chạy vững và tốt hơn, bắt đầu đứng nhón chân, đá bóng hoặc ném bóng được, leo lên và xuống các vật dụng trong nhà thuần thục. Đặc biệt khả năng vận động đôi tay của trẻ ngày càng khéo léo, có thể sử dụng thìa, đũa hoặc các vật dụng khác trong tay cho các hoạt động hàng ngày
  • Trẻ thường thích nhảy nhót, hò hét, chơi với các bạn đồng trang lứa, khi đi cầu thang cũng không cần mẹ nắm tay và có thể tự mình nhảy lên nhảy xuống các bậc cuối.
  • Nếu quan sát kỹ, phụ huynh có thể thấy trẻ bắt đầu thể hiện sự khéo léo khi xây dựng các tháp hình lập phương, các khối tạo thành tàu hỏa hay sao chép các đường vẽ chiều ngang, nét tròn,...

Về sự phát triển trí tuệ:

  • Khả năng nhận thức của trẻ đã có sự tiến triển rõ rệt biểu hiện qua việc trẻ nhận biết được tã bẩn hay ướt và khi nào muốn đi vệ sinh, sự nhiệt tình giúp mẹ trong các hoạt động thường ngày.
  • Ngoài một vốn từ vựng chớm nở thì trí nhớ của trẻ cũng phát triển mạnh trong giai đoạn 23 tháng tuổi này. Trẻ có thể hiểu các khái niệm về đối tượng như nhớ các món đồ chơi của bản thân hay khái niệm về thời gian và các vật thể

Trẻ 23 tháng tuổi thường khó kiềm chế cơn giận

Trẻ 23 tháng tuổi thường khó kiềm chế cơn giận

Về sự phát triển kỹ năng cảm xúc:

  • Trẻ 23 tháng tuổi thường khó kiềm chế cơn giận, thường xuyên đột ngột thay đổi cảm xúc và có thể thể hiện một chút chống đối, thường dễ nổi cáu nhưng cũng có thể ngay lập tức trở lại bình thường

Về sự phát triển kỹ năng xã hội:

  • Trẻ ở giai đoạn 23 tháng tuổi sẽ trở nên cực kỳ hào hứng khi thấy những đứa trẻ xung quanh. Tuy có thể thể hiện một số hành vi táo bạo nhưng chủ yếu là vì trẻ đang học cách khẳng định tính cá nhân và độc lập của mình

2. Bé 23 tháng tuổi cần ăn gì?

Phụ huynh cần rất lưu ý về việc xây dựng chế độ ăn cho trẻ trong giai đoạn 23 tháng tuổi này. Các thành phần dinh dưỡng như chất bột đường và chất béo cần chiếm tỷ lệ lớn trong khẩu phần ăn của trẻ. Ngoài ra để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho những hoạt động của trẻ cần cân đối tỷ lệ chất đạm (đạm động vật nên nhiều hơn đạm thực vật.

Phụ huynh cần thường xuyên bổ sung thêm rau xanh, hoa quả tươi để giúp trẻ tiêu hóa tốt hơn. Nước ép trái cây, sữa chua hay sữa tươi, bánh quy cũng là những thực phẩm đủ chất dinh dưỡng cho lứa tuổi của trẻ

Nhìn chung nên đảm bảo cho trẻ uống đủ 500 ml sữa mỗi ngày và duy trì chế độ ăn 3 bữa chính và 1-2 bữa phụ. Nên cân nhắc lựa chọn các loại sữa có đủ các dưỡng chất cần thiết cho trẻ như DHA, Lutein, Taurine, Canxi và Vitamin để giúp trẻ phát triển trí não cũng như cải thiện chiều cao. Mẹ cũng nên tìm hiểu thêm một số món ăn ngon bổ dưỡng và thay đổi thực đơn hàng ngày giúp trẻ đỡ nhàm chán và khuyến khích trẻ ăn ngon miệng hơn, nhiều hơn.

3. Trẻ 23 tháng tuổi mọc bao nhiêu răng?

Trẻ suy dinh dưỡng

Trẻ suy dinh dưỡng có thể dẫn tới chậm mọc răng

Răng của trẻ rất quan trọng và có nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ cũng như khả năng nhai, ăn uống đúng cách. Do đó phụ huynh rất quan tâm đến việc mọc răng của trẻ trong những năm tháng đầu đời này. Ở giai đoạn 23 tháng tuổi trẻ thường đã mọc được 16 răng nhưng cũng tùy thuộc vào từng trẻ. Các vấn đề sức khỏe có thể dẫn tới việc chậm mọc răng ở trẻ gồm:

  • Các bất thường di truyền: loạn sản răng, rối loạn phát triển răng, hội chứng Down, suy giáp, suy tuyến yên, bất sản sụn
  • Còi xương kháng vitamin D
  • Suy dinh dưỡng, thiếu máu
  • U nang hoặc khối u trong nướu
  • Bệnh lý gen không có mầm răng

Nếu trẻ không mọc răng theo đúng quy trình thông thường thì phụ huynh cũng không nên lo lắng vì việc mọc răng của mỗi trẻ là hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên nếu đến tháng thứ 16 mà trẻ vẫn chưa có răng thì cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa để được tư vấn tìm căn nguyên.